Sunday, May 18, 2014

duyhungbn.tk- Trung Quốc và quyết định tiến hành chiến tranh với Việt Nam 1979
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa đã tham gia hai chiến dịch quân sự lớn - một ở Triều Tiên chống lại Hoa Kỳ từ tháng 10 năm 1950 đến tháng 7 năm 1953, và hai là chiến tranh với Việt Nam năm 1979. Không may là ở Trung Quốc, cuộc chiến tranh với Việt Nam đã bị lịch sử lãng quên. Sự kiện này hiếm khi được thảo luận trên phương tiện truyền thông và các học giả ở Trung Quốc bị cấm nghiên cứu vấn đề này. Đến giữa những năm 1970, Trung Quốc và Việt Nam vẫn còn là những đồng minh thân cận trong Chiến tranh Lạnh. Vậy tại sao vào cuối năm 1978 Trung Quốc lại quyết định tiến hành chiến tranh với Việt Nam?
Ngày 11 tháng 2 năm 1979, Bộ Chính trị ĐCSTQ đã tập hợp trong một phiên họp mở rộng. Đặng Tiển Bình đã giải thích bản chất và mục tiêu của cuộc tấn công Việt Nam. Sau đó, các chỉ huy quân sự địa phương tại Quảng Tây và Vân Nam đã nhận được lệnh phát động các cuộc tấn công vào Việt Nam.

Ngày 14 tháng 2, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã gửi một thông tư cho đảng bộ các tỉnh, quân khu, Các Tổng cục Giải phóng Quân Trung Quốc, các Bộ của chính phủ, giải thích quyết định phát động cuộc phản kích tự vệ. Mục đích của thông tư là để các tổ chức đảng nắm bắt về cuộc chiến sắp xảy ra và yêu cầu họ thông báo cho các đảng viên ở cấp tỉnh và cấp trung đoàn quân sự. Để ngăn chặn bất kỳ ý kiến phản đối và nghi ngại nào, thông tư nhấn mạnh rằng chiến tranh sẽ được giới hạn về không gian, thời gian và quy mô.

 
Đặng Tiểu Bình sử dụng chiến tranh Trung-Việt để củng cố địa vị...

Dẫn lại bài học tranh chấp biên giới Trung-Ấn năm 1962 và các cuộc xung đột biên giới Trung-Xô năm 1969, thông tư nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không có lấy một tấc lãnh thổ Việt Nam và sẽ không cho phép Việt Nam chiếm lấy một tấc đất Trung Quốc. Văn kiện kết luận với ghi nhận rằng hành động quân sự sẽ thúc đẩy hòa bình và ổn định dọc theo biên giới và sẽ tạo điều kiện cho chương trình "Bốn hiện đại hóa" của Trung Quốc.

Ngày 17 tháng 2 là ngày mà các nhà quan sát của bên thứ ba đã lường trước từ lâu. Trước đó họ đã nghi ngờ rằng thời gian của cuộc tấn công sẽ liên quan chặt chẽ đến yếu tố thời tiết. Trung Quốc sẽ không muốn tiến hành hoạt động quân sự trong mùa mưa thường bắt đầu vào tháng Tư, hoặc tấn công quá sớm khi các lực lượng vũ trang của Liên Xô vẫn có thể vượt qua các con sông đóng băng dọc theo biên giới Trung-Xô. Đặng và các lãnh đạo khác của Trung Quốc đã cân nhắc tất cả các phương án cũng như những hậu quả có thể xảy ra một khi quân đội của họ đã vượt qua biên giới Việt Nam, bao gồm nguy cơ một cuộc đối đầu với Liên Xô. Họ tin tưởng rằng giới hạn phạm vi và thời gian của cuộc chiến mà họ mô tả là "cuộc phản kích tự vệ" sẽ ngăn chặn các phản ứng tiêu cực trong và ngoài nước. Tuy nhiên, dường như không ai lường được rằng cuộc chiến năm 1979 sẽ mở màn cho chuỗi giao tranh quân sự liên miên tại biên giới Trung-Việt trong gần một thập kỷ sau đó.

Theo các học giả Trung Quốc, quyết định tiến hành chiến tranh chống lại Việt Nam của Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ phản ứng thái quá của các nhà lãnh đạo nước này với mối đe dọa từ quân đội Liên Xô, từ đó khiến họ theo đuổi hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ chống lại Liên Xô. Do chính sách này tập trung vào đối đầu, nên cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với khu vực đã trở nên cứng nhắc và mang tính quân phiệt. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tin rằng một cuộc tấn công trừng phạt đối với Việt Nam sẽ là đòn giáng vào chiến lược mở rộng toàn cầu của Liên Xô. Tuy nhiên, những nghiên cứu này không giải thích đầy đủ lý do tại sao các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phóng đại mối đe doạ Liên Xô hoặc lý do tại sao Đặng mong muốn thông báo cho chính quyền Carter về quyết định tấn công Việt Nam, một hành động thông thường chỉ xảy ra giữa hai nước đồng minh thân cận. Mặc dù yếu tố Liên Xô ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của Trung Quốc nhưng những yếu tố khác bao gồm chính trị trong nước cũng đóng một phần vai trò.

Chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam được định hình từ nhiều tính toán khác nhau, từ truyền thống lịch sử đến hệ tư tưởng cách mạng và an ninh quốc gia. Nhận thức của các lãnh đạo Trung Quốc về ưu thế vượt trội đã chi phối nhận thức của họ về mối quan hệ Trung Quốc với Việt Nam. Mặc dù các quan chức tại Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố rằng Việt Nam cần được đối xử "bình đẳng", Nhưng họ lại tự cho rằng "Trung Quốc đã đạt đến một vị thế mà từ đó họ có quyền đặt ra những giá trị và quy tắc hành vi có thể chế ngự các mối quan hệ của họ với các nước láng giềng". Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã không bao giờ áp đặt các điều kiện chính trị và kinh tế vào viện trợ quân sự cho Hà Nội trong hai thập kỷ trước đó, nhưng Bắc Kinh đã yêu cầu Hà Nội phải thừa nhận vai trò lãnh đạo củaTrung Quốc trong công cuộc hỗ trợ các phong trào giải phóng dân tộc.

"Hành vi sai trái" của Việt Nam đối với Trung Quốc, đặc biệt là liên minh với Liên Xô như là một sự sỉ nhục đối với người Trung Quốc, và họ muốn trừng phạt đồng minh một thời bội bạc của mình. Tâm lý này đã đóng một vai trò đáng kể khi tạo ra tinh thần đồng tâm nhất trí rộng rãi giữa các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc ủng hộ Đặng, nhân vật then chốt thúc đẩy hành động quân sự chống lại Việt Nam.

Xét về đề tài chủ quyền lãnh thổ, vốn dễ gây kích động với người Trung Quốc, quan điểm của giới quân sự có vẻ chính là yếu tố chủ chốt khơi mào cho những quyết định tiến hành chiến tranh thực tế. Cuộc họp tháng 9 năm 1978 của Bộ Tổng tham mưu, vốn đưa ra các khuyến nghị làm thế nào để khắc phục các mối quan hệ ngày càng xấu đi với Việt Nam, chính là điểm khởi đầu của hoạt động quân sự lớn. Đặng đã sử dụng các khuyến nghị này cho các mục tiêu chiến lược cả trong và chiến lược.

Những yếu tố lịch sử văn hóa cùng với tình cảm quốc gia đã thúc đẩy các lãnh đạo Trung Quốc phát động một cuộc chiến tranh để "dạy cho Việt Nam một bài học". Tuy nhiên, chương trình nghị sự về kinh tế mới của Bắc Kinh và các mối đe dọa đang tồn tại của Liên Xô, cộng với mùa mưa sắp tới tại Việt Nam đã khiến Bộ Chính trị ĐCSTQ muốn giới hạn chỉ trong một chiến dịch nhanh và hạn chế. Cuộc chiến tranh đã được lên kế hoạch để không có rủi ro đáng kể đối với Hà Nội và chỉ làm xói mòn ý chí chiếm đóng Campuchia của Việt Nam. Khmer Đỏ đã hy vọng rằng quân đội Trung Quốc có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Việt Nam nhưng điều đó đã không thực sự xảy ra.

Tuy nhiên, cuộc tấn công "mang tính biểu trưng" của Trung Quốc đã giúp Khmer Đỏ thoát khỏi nguy cơ bị hủy diệt toàn bộ và cho phép họ duy trì khả năng kháng cự trước các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam. Bản chất trừng phạt của cuộc chiến tranh là một mục tiêu thực sự hay nó chỉ là một luận điệu hoa mỹ và phản ánh sự giận dữ của Bắc Kinh đối với Hà Nội và hành động xâm lược Campuchia? Nếu dạy một bài học là mục đích chính của Trung Quốc, quân đội Trung Quốc lẽ ra phải đánh quyết liệt để đạt được những kết quả quân sự ý nghĩa. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn với các nhà báo Nhật Bản trong giai đoạn cuộc chiến, Đặng khẳng định rằng ông không "cần thành tích quân sự". Sau đó, ông ta giải thích: "Quyết định dạy Việt Nam một bài học không dựa trên việc xem xét tình hình đang xảy ra giữa Trung Quốc và Việt Nam hoặc ở Đông Dương, mà dựa trên nền tảng suy xét vấn đề từ góc độ Châu Á và Thái Bình Dương và nói cách khác, từ tầm cao chiến lược toàn cầu". Cuối cùng, tính toán của ông chủ yếu ưu tiên hai điểm: cải thiện môi trường an ninh bên ngoài của Trung Quốc và cải cách, mở cửa kinh tế Trung Quốc.

Trong cuối những năm 1970, tư duy chiến lược của các lãnh đạo Trung Quốc vẫn phản ánh quan điểm của Mao, xem Liên Xô là mối nguy hiểm lớn nhất đối với hòa bình thế giới và đối với Trung Quốc. Mối quan hệ quân sự mới giữa Liên Xô và Việt Nam, việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia và thái độ thù địch tăng cao của Việt Nam đối với Trung Quốc đã thổi bùng lên mối quan ngại từ phía Bắc Kinh về nguy cơ đe dọa ngày càng lớn của Liên Xô đối với Trung Quốc. Mặc dù Đặng từ bỏ chính sách đối nội cấp tiến của Mao, ông vẫn trung thành triệt để với chiến lược "hoành tuyến" của vị cố lãnh đạo Trung Quốc, hình thành một mặt trận chung với Hoa Kỳ chống lại Liên Xô. Công cuộc cải cách kinh tế định hướng thị trường của Trung Quốc khởi phát đã củng cố tầm quan trọng của nền chính trị quyền lực thực dụng trong tư duy chiến lược của Trung Quốc. Đặng đã đặt cược thành công của cải cách kinh tế vào công nghệ phương Tây và đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ. Quyết định của Đặng chấp nhận các điều khoản của Mỹ vào giữa tháng 12 năm 1978 là rất quan trọng để đạt được cả hai mục tiêu chiến lược bên trong và bên ngoài.

Mặc dù tính toán thực dụng của Đặng Tiểu Bình về lợi ích quốc gia gần như không có hạn chế ý thức hệ, nhưng ông đã nuôi dưỡng hy vọng ngây thơ rằng vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan sẽ tự được giải quyết khi Trung Quốc phát triển mối quan hệ có lợi hơn đối với Hoa Kỳ. Quyết định khởi động một cuộc chiến tranh trừng phạt đối với Việt Nam của Trung Quốc dự tính là nhằm thể hiện giá trị hữu dụng của Bắc Kinh trong việc chống lại chủ nghĩa bành trướng của Liên Xô. Trung Quốc chấp thuận đề nghị của Hoa Kỳ thiết lập hai trạm giám sát ở miền tây Trung Quốc đã tạo ra một tài sản quý giá cho cả hai nước nhưng cũng là một món nợ cho chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trong nhiều năm tới. Xét tất cả những yếu tố này, mục đích của quyết định sử dụng vũ lực để dạy cho Việt Nam một bài học của Trung Quốc là không quan trọng như nhiều người từng nghĩ. Chúng ta khó có thể đánh giá quyết định đi đến chiến tranh mà không xem xét cẩn thận về bối cảnh chính trị và định hướng cải cách kinh tế của Trung Quốc – những điều kiện năm 1979 đã cơ bản khác so với tình hình năm 1950. Dù căn nguyên của cuộc chiến có là gì đi nữa, phong cách lãnh đạo độc tài của Đặng cho phép ông ta chi phối quá trình ra quyết định của Bắc Kinh và do đó mức độ khôn ngoan trong quyết định tấn công Việt Nam của ông ta vẫn còn là điều gây tranh cãi.
Vũ Tiến
Nguồn: tamnhin.net

No comments: